Hotline: 0917.665.665

7 ĐIỀU CẦN ĐẶC BIỆT LƯU Ý KHI LÁI XE TẢI ĐỔ ĐÈO TRONG THỜI TIẾT XẤU

Những cung đường đèo dốc luôn là một thử thách với tất cả các bác tài đặc biệt với những bác tài chuyên xe tải nặng hoặc xe khách. Những ngày gần đây khi thời tiết bắt đầu vào mùa mưa lũ các cung đường đèo, đường dốc càng trở nên nguy hiểm hơn gây ra nguy cơ tai nạn rất lớn bởi mưa ướt và đường trơn. Để xe tải đổ đèo không còn là nỗi ám ảnh, IVECO-Hongyan xin đưa 7 lưu ý đặc biệt sau giúp các bác tài vững tin hơn khi đổ đèo. 
lưu-y-xe-tai-do-deo-1
Những cung đường đèo với nhũng khúc cua móng ngựa rất nguy hiểm ẩn chứa nguy cơ gây tai nạn đặc biệt khi thời tiết xấu 

Tìm hiểu trước địa hình cung đường đèo sẽ đi

lưu-y-xe-tai-do-deo-2
Theo kinh nghiệm của những tay “xế già” đã rất nhiều lần lái xe tải để đèo đi đường đèo dốc thì đây là nguyên tắc an toàn đầu tiên cần lưu ý, mặc dù vậy nguyên tắc này lại dễ bị bỏ qua bởi sự chủ quan của một số tài xế. Để đảm bảo an toàn các bác tài lái xe tải cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ địa hình cung đường đèo dốc sẽ đi,  có thể tìm hiểu qua cách tra cứu hình ảnh cung đường trên internet, google map, hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp hoặc tham khảo thông qua các hội nhóm facebook về xe tải. Và chắc chắn khi đã tìm hiểu địa hình, cung đường biết được những đoạn đường hẹp, đường gồ ghề, những góc cua gấp tay áo bị khuất tầm nhìn,  những đoạn đường ngoằn nghoèo, hiểm trở… chúng ta sẽ tự tin vững tay lái hơn và có sự chuẩn bị tinh thần cũng như mang theo các dụng cụ hỗ trợ cần thiết trước những sự cố có thể xảy ra trong suốt hành trình.

Làm chủ tốc độ và giữ khoảng cách an toàn 

Thực tế đã có rất nhiều những vụ tai nạn thương tâm xảy ra vì tài xế không làm chủ được tốc độ và không giữ khoảng cách an toàn với phương tiện đi phía trước. Khi phương tiện phía trước đột ngột giảm tốc dẫn đến việc không kịp giữ phanh hoặc phanh quá gấp khiến phương tiện mất lái. “Chậm mà chắc” hoặc “Bật chế độ rùa bò” – không bao giờ là lời khuyên thừa đối với các anh em tài xế, đặc biệt khi cần di chuyển trên các cung đường đèo. Là xế lâu năm, chắc chắn các bác phải là người hiểu rõ nhất về đường đèo, không chỉ nhiều dốc cao mà còn rất nhiều khúc cua hẹp … lại gặp đúng lúc thời tiết không được ủng hộ thì giống như một cái bẫy có thể “sập” bất cứ tay lái “điệu nghệ” nào, nếu không tuân thủ các quy định an toàn về tốc độ và khoảng cách.
lưu-y-xe-tai-do-deo-3
Làm chủ tốc độ và không bao giờ chủ quan ở bất cứ cung đường nào, đặc biệt là đường đèo,dốc

Tuân thủ luật giao thông và chú ý các biển báo

Những chiếc biển báo khi đặt ở một vị trí nào đó đều được tính toán, đo đạc kỹ càng và có cơ sở để lắp đặt, chúng không chỉ giữ vai trò hướng dẫn giao thông mà còn như một lời cảnh báo về những mối nguy hiểm tiềm tàng trên cung đường mà phương tiện đang đi. Ở các cung đường đèo, biển báo là một trong những thứ không thể thiếu nhằm mục đích thông báo độ cao của đèo, cảnh báo nguy hiểm giúp các bác tài chủ động hạ chân ga, giảm tốc độ nhằm vượt qua đèo một cách an toàn.
lưu-y-xe-tai-do-deo-4
Những chiếc biển báo giữ vai trò quan trọng trong việc cảnh báo và hướng dẫn giao thông

Kỹ thuật sử dụng phanh để không lạm dụng phanh

Rà phanh liên tục để giảm tốc độ khi cho xe tải đổ đèo là sai lầm lớn bởi thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do lạm dụng phanh. Với những cung đèo dài, rà phanh liên tục sẽ khiến phanh nhanh nóng lên nhanh chóng và có thể đến một thời điểm bị mất tác dụng dẫn đến xe lao tự do xuống dốc. Theo lời khuyên của những “lão tướng” trong làng vượt đèo thì người tài xế khi đó phải linh hoạt giữa phanh chân và chủ yếu sử dụng lực hãm của động cơ xe để giảm tốc. Tham khảo ý kiến của rất nhiều bác tài trong Group “Hội xe tải Tây Bắc” thì các lời khuyên chủ yếu là khi xuống dốc, đổ đèo nên đi ở cấp số bằng hoặc thấp hơn cấp số vận hành khi điều khiển xe lên dốc. Lực hãm của động cơ xe ở số thấp có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với hệ thống phanh. Người lái phải về số thấp từ trước khi đổ đèo hoặc xuống dốc, vì một khi chiếc xe đã trôi dốc ở tốc độ cao, tài xế không thể điều khiển về số được nữa. Khi bắt buộc phải dùng đến phanh, các bác tài nên đạp phanh dứt khoát tránh rà phanh, lạm dụng phanh dễ khiến xe bị mất phanh rất nguy hiểm.

Không nên chở hàng quá tải trọng cho phép 

Hầu hết phương tiện vận tải Việt Nam đều được kiểm soát về tải trọng tuy nhiên ở một số trường hợp vẫn chở quá khối lượng được cho phép, đây được cho là hành vi vừa không tuân thủ luật giao thông lại tạo ra mối nguy hiểm cho chính bản thân người cầm lái đặc biệt là khi đi đường đèo. Chúng ta đều hiểu rõ quy định về tải trọng được đặt ra nhằm đảm bảo tối đa an toàn cũng như khả năng vận hành của chiếc xe, một khi chiếc xe chở quá số tải trọng thì cũng giống như con người, khi phải làm việc quá sức một số cơ quan, bộ phận sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố. Vì vậy cứ đúng tải mà chạy là đảm bảo nhất các bác ạ.
lưu-y-xe-tai-do-deo-5
Tuân thủ quy định về tải trọng nhằm giữ an toàn cho chính mình

Kiểm tra bảo dưỡng xe trước hành trình

Một trong những bước không thể thiếu trước khi bắt đầu hành trình, hãy theo dõi và kiểm tra cẩn thận phanh xe, cần gạt nước, lốp xe, nhiên liệu… nhằm hạn chế tối đa sự cố giữa đường và đảm bảo chiếc xe có một sức khỏe “bền bỉ” trên mọi cung đường. Thực tế hiện nay, nhiều bác tài vẫn chủ quan ở bước này. Nhưng để chắc chắn cho hành trình của mình được an toàn thì việc bảo trì, kiểm tra xe thường xuyên đặc biệt là hệ thống phanh cùng với động cơ là rất cần thiết. Không chỉ có ích cho những lúc đổ đèo mà còn giúp “xế yêu” nâng cao tuổi thọ mà còn giảm chi phí sửa chữa về lâu dài và đồng hành cùng các bác trên nhiều hành trình hơn nữa.

Một số lưu ý an toàn khác 

Ngoài những lưu ý kể trên thì các bác tài cũng nên chú ý một số lời khuyên sau:
  • Khi đổ đèo luôn đi bám vào phần đường bên phải, không nên lấn làn hay vượt xe phía trước
  • Giữ tốc độ luôn ổn định, tránh trường hợp tăng – giảm tốc đột ngột
  • Đừng quên quan sát gương chiếu hậu
  • Giữ sức khỏe ổn định, tập trung vào tay lái trong suốt hành trình
  • Tham khảo kinh nghiệm đi đường đèo từ những người đi trước
  • Tuân thủ tuyệt đối luật giao thông
  • Vào mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp, xe thường khó nổ máy, nên hạn chế dừng quá lâu trên đường đèo
  • Luôn mang theo các vật dụng cần thiết để đề phòng những sự cố có thể gặp phải
  • Lưu lại thông tin các số điện thoại cứu hộ giao thông hoặc sửa chữa xe lưu động tại mỗi nơi đi qua.
7 lưu ý khi xe tải đổ đèo mà IVECO-Hongyan vừa nêu trên hy vọng sẽ là những thông tin hữu ích giúp các bác tài tham khảo thêm để chuẩn bị trước cho mỗi chuyến hành trình đặc biệt trên cung đường đèo dốc khi thời tiết xấu. Kính chúc các bác tài lái xe vạn dặm bình an. Mời các bác tài tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong chuyên mục kinh nghiệm đường trường của chúng tôi. IVECO-Hongyan xin chân thành cảm ơn sự chia sẻ của các bác tài trong Group “Hội xe tải Tây Bắc”  và anh Tú “kênh youtube Xe đầu kéo Vlog” đã giúp chúng tôi hoàn thành bài viết này. Xem thêm: IVECO-Hongyan được bình chọn là xe tải ben số 1 Trung Quốc